Cộng sản đang "dựng" hình ảnh “Bà Ngoại Việt Nam” anh hùng! - Dân Làm Báo

Cộng sản đang "dựng" hình ảnh “Bà Ngoại Việt Nam” anh hùng!

Hải Âu (Danlambao) - Cụm từ “Mẹ Việt Nam anh hùng” thường được cộng sản đảng sử dụng rất nhiều sau thảm họa 30/4/1975 với mục đích "vinh danh những người mẹ đã đau đớn hy sinh những đứa con của mình" vì cuộc chiến xâm lược Việt miền Nam Việt Nam. Quả thật những người mẹ ấy rất đáng được vinh danh vì không một người mẹ nào không đau xót trước cảnh chia lìa những đứa con mà mình đứt ruột mang nặng đẻ đau. Dù rằng sự hy sinh của “mẹ Việt Nam anh hùng” phần lớn là do “bên thắng cuộc’ tuyên truyền dối trá về cuộc chiến “giải phóng” miền Nam. Đó là những người Mẹ anh hùng trong thời chiến được cộng sản tạo dựng từ những mất mát của người phụ nữ Việt Nam.

Thế nhưng ngày nay, tại một đất nước hòa bình, một nơi được xem là “thiên đường xã hội chủ nghĩa” vẫn “xuất hiện” đâu đó hình ảnh người “người Mẹ anh hùng” thật sự. Đó là Trần Thị Thúy Nga, là Nguyễn Minh Thúy, là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh... Và còn nhiều, nhiều lắm những người mẹ trẻ can đảm hy sinh vì quê hương, vì dân tộc và vì tương lai những đứa con thơ đang tuổi quấn chân mẹ. Những người phụ nữ ấy lên tiếng trước những bất công xã hội, trước những hiểm họa Tàu cộng xâm lược hay trước thảm họa môi trường mà dân Việt đang gánh chịu. Điều ấy đã khiến những người mẹ trẻ bị nhà cầm quyền cộng sản bức hại bằng những bản án tù tàn nhẫn cùng nỗi đau chia cách đám con thơ.

Đằng sau bản án tù của những người mẹ trẻ phải xa con thơ còn có cả một sự hy sinh, một sự đấu tranh mạnh mẽ của người mẹ già, là bà ngoại của những đứa trẻ. Hình ảnh bà ngoại cùng những đứa trẻ thơ vất vả, khốn khổ, tất tả ngược xuôi để cầu cứu mọi người lên tiếng đòi tự do cho mẹ chúng thoát khỏi cảnh tù tội đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Trong khuôn khổ bài viết này, hình ảnh bà ngoại được nói đến chính là bà Nguyễn Thị Tuyết Lan. Bà là mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), là bà ngoại của Nấm, Gấu.

Ngày 10/10/2016, cái ngày mà nhà cầm quyền cộng sản Khánh Hòa bắt giam blogger Mẹ Nấm, bà ngoại Nấm, Gấu đã gạt nước mắt đau xót để chăm sóc hai đứa trẻ đang độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Không chỉ vậy, bà còn phải chăm sóc cho người mẹ già của mình là bà cố ngoại của hai bé Nấm và Gấu. Bao nỗi vất vả, tủi hổ, khốn nạn dường như đổ ập lên đôi vai người phụ nữ tuổi đời đã ngoài 60. Cũng từ ngày ấy, gia đình bà đã phải chịu vô số lần nhiễu sách từ những kẻ cầm quyền với những thủ đoạn không thể bỉ ổi hơn.

Chính những kẻ đã bắt giam con gái bà, nay lại ra sức ngăn cản sự tự do đi lại của bà và những người thân trong gia đình. Hễ nghe tin có nhân viên, quan chức quốc tế đến Nha Trang thì chắc chắn trước, trong và sau thời gian đó gia đình bà trở thành “khu vực nhạy cảm” với hàng chục “kẻ lạ mặt” luôn nhìn trước, ngó sau. Đôi khi chúng đem cả xe ô tô chặn luôn con hẻm Đặng Tuất với lý do “xe chết máy”. Chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào để ngăn bà đi lễ, đi chợ hay chỉ đơn giản là đưa đón hai đứa trẻ đi học.

Bản thân bà ngoại Nấm, Gấu vẫn đều đặn hàng tháng lại đi thăm con với hy vọng được nhìn thấy Quỳnh vẫn đang còn sống. Niềm hy vọng nhỏ nhoi ấy cũng không thể có được bởi tất cả các lần thăm, gửi đồ tiếp tế cho Quỳnh đều bị nhà cầm quyền Khánh Hòa từ chối không cho gặp mặt. Ngay đến tờ giấy xác nhận việc Quỳnh đã nhận được quà thì bà cũng phải mất hơn hai tuần sau mới có, mà cũng chỉ là tờ giấy photo có chữ ký nghệch ngoạc được cho là của con mình.

Thiết nghĩ mấy ai có thể chịu đựng những tháng ngày khốn khổ và đầy đau đớn ấy. Nhưng với bản năng của một người mẹ, bà Lan đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ con mình. Bà kêu gọi các tổ chức quốc tế lên tiếng cho Quỳnh. Bà gõ cửa từng cơ quan công quyền cộng sản để chất vấn, để yêu cầu những kẻ cầm quyền phải thực thi pháp luật. Suốt quãng thời gian Quỳnh bị giam giữ cũng là lúc bà ngoại Nấm, Gấu buộc phải gắng gượng để củng cố gia đình, để trấn an hai đứa trẻ, để là niềm tin và chỗ dựa tinh thần cho Quỳnh.

Gian truân là thế, cùng cực là thế, nhưng bà ngoại Nấm, Gấu vẫn hy vọng và chỉ biết hy vọng rồi một ngày sau khi kết thúc quá trình điều tra thì bà sẽ được nhìn thấy con của mình. Dù chưa hình dung ra nó sẽ thế nào sau hơn 8 tháng trong chốn “địa ngục” của cái xứ sở “thiên đường xã nghĩa”, nhưng với bà ngoại Nấm, Gấu thì đó là tất cả với niềm an ủi, chờ mong.

Cái ngày ấy rồi cũng đến khi những kẻ cầm quyền cộng sản Khánh Hòa thông báo ngày giờ xét xử Mẹ Nấm. Như vậy là hy vọng nhỏ nhoi được nhìn thấy con mình trong phiên tòa sắp thành hiện thực. Nhưng khốn nạn thay niềm vui nhỏ nhoi ấy bị dập tắt bởi bè lũ máu lạnh cộng sản. Chúng tước quyền tham dự phiên tòa của bà ngoại Nấm, Gấu với lý do đây là “vụ án đặc thù” cho dù trên thông báo Quỳnh được xét xử trong phiên tòa công khai, và bà ngoại Nấm, Gấu là người thân liên đới trong vụ việc.

Không còn từ ngữ nào có thể diễn tả sự tàn độc của chế độ cộng sản khi rắp tâm ngăn cách ánh mắt của tình mẫu tử. Có lẽ một người phụ nữ bình thường dù có can trường đến đâu cũng sẽ sụp đổ sau đòn thù quá đỗi khốn nạn của những kẻ cầm quyền. Nhưng không, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan không phải là một người dễ dàng suy sụp cho dù cộng sản có dùng trăm mưu ngàn kế để hạ gục tinh thần của bà.

Thời gian từ đây cho đến ngày diễn ra phiên tòa không còn nhiều, chắc chắn giờ phút này bà ngoại của Nấm, Gấu đang làm tất cả những gì có thể để đòi hòi quyền chính đáng của một người mẹ là được nhìn con mình. Dù chưa thể khẳng định bà ngoại Nấm, Gấu có được tham dự phiên tòa sắp tới hay không, dù cộng sản có rắp tâm ngăn cách ánh mắt tình mẫu tử giữa bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, giữa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, giữa Gấu, Nấm thì trong ánh mắt của tất cả những ai còn lương tri, còn tình người, bà ngoại Nấm, Gấu đã trở thành “Bà Ngoại Việt Nam anh hùng” - anh hùng thật sự đúng nghĩa của những người yêu nước. Hãy đồng hành cùng bà ngoại Nấm, Gấu để đòi lại quyền làm người, để dành lại quyền được nhìn, được nghe, được nói. Vì hôm nay là Mẹ Nấm, chắc chắn ngày mai sẽ là người khác.

21.06.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo