Từ Mậu Thân 1968 đến Gạc Ma 1988 - Dân Làm Báo

Từ Mậu Thân 1968 đến Gạc Ma 1988

Phạm Trần (Danlambao) - Muốn biết đảng và nhà nước độc tài Cộng sản Việt Nam khiếp nhược trước đồng tiền và áp lực quân sự của Trung Cộng như thế nào thì chỉ cần so sánh thái độ và việc làm của họ trong hai biến cố: Tổ chức ăn mừng 50 năm tấn công Mậu Thân 1968 ở miền Nam Việt Nam, nhưng lại không dám hé răng lên án Trung Cộng đã thảm sát 64 lính Công binh Hải quân ở Gạc Ma, Trường Sa năm 1988.

Về Mậu Thân 1968, từ tháng 12 năm 2017, Đảng, Nhà nước và Quân đội đã bỏ ra không biết bao công sức và tiền bạc để tổ chức ăn mừng tấn công Mậu Thân đã đem lại thắng lợi chính trị buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn hội nghị để kết thúc chiến tranh, đem chiến thắng cuối cùng cho đảng CSVN.

Lãnh đạo Việt Nam tưởng rằng làm như vậy, qua việc tập trung các cuộc Hội thảo và Tọa đàm tại Sài Gòn, Thủ đô cũ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và nơi có Tòa Đại sứ Mỹ từng bị Đặc công Cộng sản tấn công trong đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân 1968, sẽ khơi lại niềm hãnh diện của chiến lược và chiến thuật quân sự của đảng và Bộ Chính trị thời Lê Duẩn-Lê Đức Thọ. 

Hồi ấy Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã được đưa đi nghỉ dưỡng sức bên Tầu và Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đi Hung Gia Lợi chữa bệnh khi xẩy ra vụ Mậu Thân, cho đến bây giờ, đã chứng minh do dàn dựng của bộ đôi Duẩn-Thọ để họ được tự do và độc quyền quyết định mọi việc.

Nhưng lãnh đạo Việt Nam lại quên rằng từ những bôi bác hào quang vụng về này, đảng CSVN đã để lộ ra sự giả dối tuyên truyền không hề xẩy ra gọi là "cuộc nổi dậy" của nhân dân miền Nam khi quân Cộng sản mở cuộc tiến công quân sự vào thành thị miền Nam như hai ông Duẩn-Thọ từng lạc quan.

Hai ông này còn lấy thắng lợi chính trị với Mỹ để che đậy thất bại nặng nề của họ về quân sự trong vụ Mậu Thân mà sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các Tư lệnh chiến trường Huế-Trị Thiên đã nhìn nhận. Bằng chứng là có đơn vị cấp Tiểu đoàn trên 300 quân, chỉ còn mươi người sống sót khi rút lui khỏi Huế.

Đặc biệt hơn, các cuộc liên hoan ăn mừng chiến thắng Mậu Thân giả tạo năm 2018 còn khơi lại vết thương chiến tranh do quân đội miền Bắc và tay sai du kích Mặt trận Giải phóng miền Nam gây ra cho nhân dân miền Nam. Quan trọng và man rợ nhất là chứng tích bi thảm, sắt máu và vô lương tâm của quân Cộng sản đã tìm thấy tại các nấm mồ chôn tập thể ở Cố đô Huế và vùng phụ cận năm 1968.

Vào khoảng từ 5,000 đến 6,000 người dân vô tội đã bị quân Cộng sản và tay sai hạ sát hay mất trích trong 25 ngày đêm họ chiếm đóng Huế.

Sau cùng, bộ máy tuyền truyền của Tuyên giáo đảng và Tổng cục Chính trị Quân đội cũng lờ đi nguyên nhân thắng lợi quân sự cuối cùng của họ ở miền Nam chẳng qua vì, trong khi miền Bắc được khối Liên Xô và Trung Cộng đổ lương thực và vũ khí cho miền Bắc vi phạm Hiệp định Paris 1973 để tiếp tục cuộc chiến chống Việt Nam Cộng hòa thì Hoa Kỳ rút chân ra khỏi miền Nam và cắt giảm viện trơ kinh tế và quân sự khiến quân đội miền Nam ở vào thế yếu.

Nhưng sau khi chiếm được miền Nam ngày 30/04/1975, thay vì thi hành chủ trương “hòa giải, hòa hợp dân tộc” để hàn gắn vết thương chiến tranh và đoàn kết dân tộc xây dựng đất nước như đã tuyên truyền thì hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lại thi hành chính sách trả thù và xóa bỏ kinh tế tự do của nhân dân miền Nam khiến cả nước đói và hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, buộc đảng phải “đổi mới” từ Đại hội đảng VI thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh năm 1986.

Cũng từ sau 1975, các trại tù lao động khổ sai, mang danh “cải tạo” đã được dựng lên từ Nam ra Bắc để đầy đọa hàng trăm ngàn quân-cán-chính và nhân sỹ, trí thức miền Nam. Song song với chủ trương tiêu diệt kinh tế tư sản để hạ miền Nam xuống ngang hàng với kinh tế vô sản, tập trung và bao cấp của miền Bắc, chính quyền Cộng sản mới đã xóa bỏ cả nếp sống văn hóa và nhân bản của người miền Nam khiến hàng trăm ngàn người đã phải liều chết tìm đường vượt biên và vượt biển tìm tự do. Hàng chục ngàn người được ước tính đã bỏ mình trên biển cả trong các trường hợp khắc nghiệt khác nhau, kể cả bị Hải tặc giết, hãm hiếp và cướp của.

Vì vậy, mỗi khi nhắc lại hai biến cố Mậu Thân 1968 và 30 tháng 4 năm 1975 bằng những cuộc liên hoan, ăn mừng và rêu rao chiến thắng là đảng và nhà nước CSVN đã mở lại vết thương của người miền Nam và gợi lại để nuôi dưỡng hận thù dân tộc.

Nhưng người Cộng sản, tuy miệng nói oang oang đoàn kết, thống nhất trong một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, nhưng lại chia rẽ và kỳ thị Bắc-Nam-Trung hơn bất kỳ thời đại nào. Những khẩu hiệu “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền”, hay “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” (Nghị quyết 36, ngày 26/3/2004) chỉ viết ra để tuyên truyền trang sức cho nhà nước và làm đẹp mặt đảng chứ không mang lại phúc lợi cho dân.

Cái bóng Trung Quốc

Vậy mà vào mỗi dịp kỷ niệm mất Hoàng Sa vào tay Trung Cộng 20/01/1974, khi người dân tổ chức truy điệu 74 chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh khi chống lại quân Tầu xâm lược thì bị ngăn chặn, phá rối hay bị bắt về đồn Công an.

Các cuộc biểu tình chống Tầu đàn áp và giết hại ngư dân Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa từ Sài Gòn ra Hà Nội trong các năm 2011-2013 cũng đã bị đàn áp dã man.

Ngay đến các cuộc tụ tập của dân, vào mỗi dịp 17/2 hàng năm, để tri ân và tưởng nhớ trên 40 ngàn chiến sỹ và đồng bào đã bỏ mình tại các tỉnh và chiến trường biên giới phía bắc trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm lược từ 1979 đến 1990 cũng bị ngăn chặn và đàn áp ngay giữa Thủ đô Hà Nội, tại đền Lý Thái Tổ.

Từ năm 2017, tuy báo chí đã được cho phép viết về cuộc chiến biên giới 1979-1990 cũng như đề cập sơ sài đến cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974, nhưng chưa bao giờ Chính phủ cho phép hay đứng ra tổ chức kỷ niệm và tưởng nhớ những người con yêu của Tổ quốc đã hy sinh bảo vệ biên cương và lãnh thổ chống quân xâm lược Trung Cộng.

Năm nay, ngày 14/03/2018 cũng không ngoại lệ. Nhiều báo chính thống, kể cả báo điện tử Trung ương đảng, báo Chính phủ, Quân đội Nhân dân và Nhân dân đều có đăng tin và hình tưởng niệm 64 chiến binh Trường Sa. Nhưng hấu hết các buổi tưởng niệm do Ủy ban nhân dân Tỉnh như Khánh Hòa, Quảng Bình và các đồng đội của những người đã hy sinh đứng ra tổ chức.

Không có bất cứ một cuộc Hội thảo hay Tọa đàm nào về biến cố Gạc Ma hay họp hành biểu dương nào do Nhà nước hay Quân đội tổ chức như họ đã bầy vẽ ra trong vụ kỷ niệm 50 năm tấn công Mậu Thân.

Nên biết ngày này của 30 năm trước (14/03/1988), giặc Tầu đã dùng đại pháo, súng trường, dao găm và lưỡi lê hạ sát 64 chiến sỹ Hải quân của Quân đội đảng CSVN tại bãi Gạc Ma và trên tầu HQ-604 trong quần đảo Trường Sa.

Cuộc giao tranh dẫm máu và đôi khi sát lá cà khiến quân Việt Nam phải dùng cả cuốc, xẻng để chống lại, nhưng vì quân ít, vũ khí yếu nên chỉ được hai bãi đá Cô Lin và Len Đao. Bãi Gạc Ma, một vị trí chiến lược quan trọng phía nam Trường Sa đã rơi vào tay địch từ đó đến nay. Quân Trung Cộng có thể dùng Gạc Ma để chận đường tiếp tế của Việt Nam từ Tỉnh Khánh Hòa ra Trường Sa.

Theo báo Việt Nam thì: "Sau khi chiếm được Gạc Ma sau cuộc thảm sát ngày 14.3.1988, năm 1995 Trung Quốc chiếm thêm bãi Vành Khăn từ tay Phillipines. Họ đã có tổng cộng bảy cấu trúc: Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Xu Bi và Vành Khăn."

Tại 7 vị trí này, Trung Cộng đã biến thành các đảo nhân tạo với kiến trúc kiên cố, trại đóng quân, đài Radar, đài khí tượng, súng phòng không, bến cảng và sân bay.

Ai ra lệnh không nổ súng?

Nhưng vụ Gạc Ma, tuy đã 30 năm mà vẫn còn gây nhiều thắc mắc cho giới sử học và bang giao Việt Nam-Trung Cộng. Bởi vì quân lính Việt Nam đã được lệnh “không nổ súng” dù có bị quân Tầu tấn công.

Nhưng ai đã ra lệnh điền cuồng này?

Một bài viết của Mặc Lâm, khi còn làm cho Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia, RFA), ngày 12/03/2015 đã giải đáp phần nào cho thắc mắc này: "Tuy biết trước sự hiếu chiến và quyết tâm chiếm đảo của Trung Quốc nhưng bộ đội công binh Việt Nam lại không được trang bị vũ khí và quan trọng hơn nữa họ được lệnh không được bắn trả lính Trung Quốc. Chỉ một vài bộ đội trên tàu mang vũ khí cá nhân và nhóm bộ đội tiến vào cắm cờ trên đảo Gạc Ma đã tay không đối diện với giặc. Anh Nguyễn Văn Thống một người sống sót trong khi tiến vào Gạc Ma xác nhận với Đài Á Châu Tự Do lệnh không được nổ súng này

-Bên mình lúc ra đi là quán triệt không được nổ súng bất kỳ giá nào cũng không được nổ súng…"

Mặc Lâm viết tiếp: "Lời kể của những bộ đội công binh không đủ sức thuyết phục dư luận cho đến khi chính một vị tướng chính thức lên tiếng về việc này. Ông là thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói trước cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh triết tổ chức vào năm ngoái (2014), Tướng Lê Mã Lương cho biết:

-Nó có một câu chuyện như thế này: Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm cái đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng! Và sau này nó có một câu chuyện và nó đã được ghi vào tài liệu mà ta đã rõ rồi là khi trong một cuộc họp của Bộ Chính Trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đập bàn và nói là ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?

Những người lính hy sinh đầu tiên ấy cộng thêm con số bộ đội bị quân Trung Quốc sát hại nâng lên 64 người là một vết thương lớn cho người lính bất cứ quân đội nào khi họ không được cầm súng chống lại quân thù, tướng Lê Mã Lương chia sẻ." 

Ông Nguyễn Khắc Mai, người đứng đầu Tổ chức Minh Triết đưa ý kiến: "Ngài Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hồi bấy giờ là ngài Lê Đức Anh đã ra cái lệnh như vậy mà anh Lê Mã Lương đã tường thuật trong hội thảo tưởng niệm Gạc Ma của chính Trung tâm Minh Triết tổ chức ở Khách sạn Công đoàn năm ngoái, thì bây giờ ta phải công khai cái này,"

Bài viết của RFA cũng cho biết: "Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà ngoại giao kỳ cựu, am hiểu sâu sắc vấn đề Trung Quốc đánh giá quyết định không nổ súng của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh:”Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc."

Lê Đức Anh nói với ai?

Cho đến ngày 14/03/2018, 30 năm sau trận chiến đẫm máu Gạc Ma, Đảng và Quân đội CSVN chưa có bất cứ lời bình luận nào về tiết lộ của người linh Hải quân sống sót Nguyễn Văn Thống xác nhận lính Việt Nam được lệnh “không nổ súng”.

Cũng gây thắc mắc cho lịch sử còn có tiết lộ của tướng Lê Mã Lương và lời lên án, chỉ trích đích danh Đại tướng Lê Đức Anh của hai ông Nguyễn Khắc Mai và tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.

Nhưng tại sao Bộ Chính trị và Quân Ủy Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã không cho điều tra về lời cáo giác Đại tướng Lê Đức Anh, người về sau còn giữ chức Chủ tịch nước (1992-1997)?

Chỉ biết rằng, ít lâu sau xẩy ra trận Gạc Ma thì ông Lê Đức Anh, trong tư cách Bộ trường Quốc phòng đã ra tận Trường Sa thề bảo vệ biển đảo.

Báo Tuần Việt Nam, một phân bộ báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền Thông, vào ngày 14/03/2018 đã phổ biến lại toàn văn Diễn văn của ông Anh, trong đó có đoạn quan trọng như sau:

"Năm 1988, trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955-7/5/1988) do Quân chủng Hải quân cùng Tỉnh ủy và Chính quyền tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại đảo Trường Sa lớn. Chuyến thăm đảo diễn ra ngay sau khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma rạng sáng 14/3 làm 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 hy sinh. Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng khi tiếng súng vừa dứt trên quần đảo Trường Sa ít ngày…"

Ông nói: "…Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Như vậy thì có khó hiểu không?

Càng khó hiểu khi thấy ông Lê Đức Anh nói rằng: "Với mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc: Trong những năm 50 và những năm 60 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình.

Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa."

Rồi tướng Anh kể rằng: "Năm 1976, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước và bầu bạn trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Tới Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, thì người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ đã nói: Trung Quốc cảm ơn Việt Nam, chính nhờ Việt Nam chống Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến Trung Quốc để cầu thân với Trung Quốc".

Nói tóm lại cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tinh thần anh em sâu đậm. Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc Việt Nam những tội lỗi mà các triều đại phong kiến Trung Quốc đã gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đô hộ.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế.

Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta."

Thì ra, phải chăng tướng Lê Đức Anh đã nhẹ dạ “đinh ninh”, tức “cứ nghĩ trong bụng” rằng vì tình sâu nghĩa nặng giữa 2 nước Việt-Trung đã thắm thiết thì tình đống chí muôn đời sẽ không bao giờ có chuyện “môi hở răng lạnh”, nào ngờ Trung Quốc đã lật mặt ở Gạc Ma để “dạy cho Việt Nam một bài học” như Đặng Tiểu Bình đã nói khi xua quân xâm lược 6 Tỉnh phía bắc Việt Nam năm 1979?

Như vậy thì tại sao những người cầm đầu đảng CSVN chưa biết tỉnh ngộ cho “sáng mắt sáng lòng” mà cứ cúi đầu thuần phục Trung Cộng mãi?-/-

(03/018)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo